LỊCH SỬ HỘI: NHỮNG NGÀY ĐẦU (14)

Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu  (tt)    

Old Diary Leaves - H.S. Olcott   

 

Xem Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu (Các Bài Trước)

Tám năm về trước. lúc ông Olcott và bà Blavatsky đặt chân lên đất Ấn, hai vị làm khác với thói thường là không kết thân với giới da trắng cai trị, không tới lui thăm hỏi các nhân vật cầm quyền, làm bạn với những viên chức chính phủ để mong hưởng lợi. Có thể sự dửng dưng, tách biệt này khiến nhà cầm quyền nghi ngại, và cho nhân viên do thám hai người.
Sao đi nữa, nay ông Olcott tin việc tự cô lập này là sai lầm, nên đến thăm Thống Đốc người Anh (Governor). Hai vị trò chuyện vui vẻ về Hội, về Theosophy, Thống Đốc tỏ ý muốn biết thêm về triết lý nên sau đó được ông Olcott gửi tặng sách.  Kể từ ấy về sau, đôi bên có sự giao hảo tốt đẹp, và căng thẳng giữa chính quyền với Hội tan biến.
Tại Adya, ông Olcott bận rộn với công việc hành chánh, tu bổ sửa sang khuôn viên, trụ sở và việc sưu tập sách, tài liệu cho thư viện đang xây. Ngoài những sách in, ông còn tìm mua các thủ bản Phạn ngữ bằng lá gồi hay được hội viên gửi tặng. Tới cuối tháng 12 kệ sách của thư viện được làm xong, bộ sách đầu tiên được đặt lên kệ là bộ Isis Unveiled, quyển tiền phong cho tài liệu TTH.
Cuối năm cũng là lúc Hội có đại hội thường niên, và các hội viên lục tục đến. Họ cắm trại trong khuôn viên hội, mỗi người mang theo chiếu, gối, trải ra sàn nhà khi tối xuống. Tới 10 giờ tối là sàn chật kín, đèn vặn nhỏ và nhiều tiếng ngáy trổi lên, khiến ông Olcott có lúc nghĩ phải đặt giải thưởng cho ai ngáy hay nhất ! Đôi khi trong lúc ngồi trên lầu trong gian nhà rộng, dưới nhà nghe chộn rộn làm ông tưởng có tranh cãi nên đi xuống xem, hóa ra là hội viên nằm ngửa, há miệng làm tan vỡ sự bình an, tĩnh lặng của Adyar mà hội viên từ Hoa Kỳ chịu không thấu !

III

Chuyến đi dài năm 1887 gây ra vài ảnh hưởng bất lợi cho ông như thiếu máu, rồi sinh mụn nhọt làm ông phải nằm một chỗ; nhưng tướng Morgan và phu nhân mời ông lên thăm họ ở Ootacamund, cho ông cơ hội tĩnh dưỡng ở miền núi. Ở đây ông lại có thêm bệnh thống phong - gout đau khớp xương bàn chân. Ông Olcott ngạc nhiên vì trong gia đình không có ai mắc bệnh đó. Tám năm sau có người khuyên ông đừng ăn thịt vì họ cho đó là nguyên do sinh ra bệnh. Ông nghe lời chuyển sang ăn chay và mọi triệu chứng biến mất.
Vào tháng ba, quyển Buddhist Catechism - Sách Toát yếu Phật giáo do ông soạn được xuất bản tại Rangoon, Miến Điện. Như vậy đây là ấn bản bằng ngôn ngữ thứ bẩy, tính ra đó là các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Tích Lan, Nhật, Ả Rập và Miến Điện. Sang tháng tư, người Nhật ở Kyoto cho ông hay là quyển Golden Rules of Buddism cũng do ông viết, đã được dịch sang tiếng Nhật và xuất bản.
Tình thân giữa ông và hai vị tiểu vương đất Baroda và Mysore dẫn tới kết quả khích lệ. Baroda nhờ ông lập kế hoạch cho trường Cao đẳng Kỹ thuật, còn tiểu vương Mysore đã cho lập bộ Phạn ngữ trong vùng của mình, cũng như có giảng dạy Phạn ngữ và kỹ thuật; ngoài ra hội nghị liên bang về Phạn ngữ cũng đã được tổ chức tại Hardwar. Như vậy mầm mống gieo trong những buổi thuyết giảng, trò chuyện với nhân viên chính phủ, đã rơi xuống đất phì nhiêu cho thâu hoạch đáng kể.
Sức khỏe đã phục hồi, ông rời Ootacamund ngày cuối tháng năm, đi giảng ở vài nơi và lập hai chi bộ trước khi về Adyar, tiếp tục công việc hành chánh, sách báo và chuyện thường lệ.

IV
Thành Lập Trường Bí Giáo.

Ông Olcott đi Âu châu từ 26 tháng tám đến 22 tháng mười 1888, giải quyết chuyện hội tại Pháp, Anh. Tại London, ông gặp học giả tiếng tăm Max Muller, thông thạo bao kinh điển Ấn Độ nhưng khăng khăng rằng các ý nghĩa huyền bí của kinh Veda, quyền năng siêu nhiên được Ấn giáo nhắc tới, và các bậc Chân sư là chuyện không có thật. Học giả nói rằng không có chứng cớ gì về các điều này, sao ông Olcott lại tin vào những chuyện mê tín, điên rồ như thế. Lời đáp của ông Olcott rằng có bằng chứng rõ ràng là có quyền năng và các đấng Cao Cả, không làm thay đổi ý kiến của học giả. Nay tới phiên ông lấy làm tiếc là bộ óc thông minh sáng láng của nhân vật này, đã không giúp họ tiếp thu những chỉ dạy tuyệt vời của các ngài về con người, và những quyền năng của họ.
Cũng ở đây, ông Olcott cùng bà Blavatsky ra thông báo thành lập trường Bí Giáo - Esoteric School ES, vẫn còn hoạt động tới ngày nay. Ông chỉ ghi vắn tắt sự kiện nhưng có một chi tiết đáng cho ta nêu ra. Ấy là khi mới được HPB cho hay sơ lược về đường hướng, tổ chức của trường, ông đã phản đối, e ngại đây sẽ là một hội TTH nhỏ trong hội TTH lớn và không chừng chi phối cái sau. Có e ngại đó vì ông nhìn sự kiện thuần về mặt hành chánh, nhưng hội và việc làm của nó không chỉ giới hạn về phần hành chánh mà thôi, và đây là khác biệt căn bản trong cái nhìn của ông và HPB về hội, cũng như nó gây ra hiểu lầm giữa hai vị. 
Ông Olcott cho rằng hội là tổ chức nhằm phát triển tình huynh đệ đại đồng và khoan dung về mặt tôn giáo. HPB xem nó không phải chỉ là vậy, mà còn là nơi chiêu mộ ai muốn làm đệ tử Chân sư, để sau khi có huấn luyện huyền bí, sẽ tiếp tục phong trào từ thế hệ này sang thế hệ sau. Đối với bà, hội trước sau là một công cụ và phương tiện cho những kế hoạch của các ngài.
HPB thấy rõ là nếu không có cái nhân gồm những người nhiệt tâm, dốc lòng thực hiện ý định của Chân sư, hội có thể chỉ trở thành là một tổ chức nhân ái khác, còn ông Olcott thấy không có gì đặc biệt cần phải nêu các ý tưởng huyền bí, nhất là việc làm đệ tử Chân sư. Ta có thể hiểu vì sao có mối e ngại này, sau khi có vụ Coulomb năm 1884 - 85 liên quan đến những phép lạ mà HPB tạo ra, khiến có hiểu lầm về bà và các ngài.
Hệ quả là tai tiếng cho hội, và ông Olcott gần như muốn làm ngơ tính cách huyền bí về hội, tới độ thư đức KH viết cho HPB năm 1888 có đoạn:
hội đã thoát ra không còn nằm trong tầm tay cùng ảnh hưởng của chúng ta, và chúng ta để nó rời đi, chúng ta không hề muốn có ai phục vụ miễn cưỡng. Ông bảo mình đã cứu vãn hội à ? Ông cứu được thân xác nó, nhưng do lòng sợ hãi đã làm cho linh hồn nó rút lui; nay hội là cái xác không hồn, một bộ máy chạy đều đó nhưng sẽ tan thành mảnh vụn khi ông không còn nữa.
Trong ba mục đích của hội, chỉ còn mục đích thứ hai là được quan tâm nhưng nó không còn là một hội của tình huynh đệ, hay một tổ chức có tinh thần bên kia rặng Himalaya. Lòng tử tế, yêu chuộng sự an lành của ông thật đúng như tâm Phật, nhưng ông áp dụng sai lầm tâm ấy.
Chính vì muốn ngăn chặn hội về sau không tan rã thành nhiều mảnh vụn, mà sau cùng HPB làm sống lại ý ban đầu là có một cái nhân kín trong hội, và lập trường Bí Giáo ES. Sự phản đối và mối nghi ngờ của ông Olcott về ý định chỉ được phá tan, sau khi ông nhận thư của đức KH trên tầu Shannon, trên đường tới London. Ta trích vài đoạn chính trong thư mà bạn có thể đọc trọn trong quyển Letters from the Masters of Wisdom 1870 - 1900, First Series, C. Jinarajadasa.
“Lần nữa, nay bạn sắp tới London tôi có một hay hai điều muốn nói với bạn. … bạn chống đối lại minh triết của bà và đã đi quá xa, bạn đã không công bình đối với bà (HPB) … Ngay mới đây, trên bong tầu, bạn có tư tưởng đen tối và sai lầm về bà, nên tôi thấy đó là lúc thích hợp để làm bạn lưu ý.
“Hãy gạt bỏ những hiểu lầm đó mà bạn sẽ thấy, bằng cách khuyến dụ dịu dàng và gợi nên lòng trung thành với Công Cuộc của chân lý, nếu không phải là với chính chúng tôi. Hãy làm cho mọi người biết rằng chúng tôi không thiên vị hay thương yêu riêng một ai, mà chỉ có lòng yêu quí những hành vi tốt lành của họ và nhân loại như là một khối.
“Nhưng chúng tôi sử dụng các đại diện, ai giỏi dang nhất có được. Về những người này trong ba mươi năm qua, nhân vật chính là cá nhân mà thế giới biết qua tên HPB (còn chúng tôi biết bà bằng tên khác). Quả đúng là bà không toàn hảo và hay sinh chuyện đối với một số người, dầu vậy trong những năm sắp tới nhiều phần là chúng tôi không tìm được ai khác giỏi hơn, và hội viên TTH của bạn cần hiểu như thế…
“Lòng trung thành của bà với chúng tôi luôn luôn có, và tôi hay các Huynh Đệ của tôi sẽ không bỏ rơi hay thay thế bà, do những đau khổ xẩy tới cho bà vì dạ trung tín ấy. Như tôi có lần đã viết, chúng tôi không phải là người quên ơn… Để giúp về thắc mắc hiện nay của bạn: HPB không can hệ gì đến các chi tiết hành chánh, mà cần tránh cho bà mặt đó bao lâu kềm được cá tính mạnh mẽ của bà.
“Nhưng có điều này bạn phải nói cho tất cả mọi người hay, rằng bà là người hoàn toàn phụ trách mặt huyền bí… Bà là đại diện trực tiếp của chúng tôi. Xin khuyến cáo bạn chớ để có nghi ngờ và tức giận, về ‘các điều sai lạc của bà’, làm chi phối lòng trung thành sẵn có của bạn đối với bà.
“Về vấn đề tại Âu châu, bạn có hai điều phải xem xét - mặt bên ngoài có tính hành chánh, và mặt bên trong có tính tâm linh. Hãy làm chủ phần trước cùng với những cộng sự viên cẩn trọng nhất của bạn, để phần sau cho bà… Bạn là người xét đoán giỏi nhất cho việc trước, còn về việc sau, là bà…”

Ta trích một đoạn dài trong thư để dẫn tới điểm sau, ấy là cần đọc sáu quyển hồi kỷ của ông Olcott theo quan điểm các Chân sư nếu muốn nhìn lịch sử hội nói chung, và con người ông, con người HPB nói riêng, đúng thật. Bởi hồi ký là do ông viết, nó đưa ra chỉ quan điểm của ông mà nếu không phân biệt, ta dễ có cái nhìn sai lầm về hội, ông Olcott và bà Blavatsky.

Nay tiếp tục chuyện thì ông Olcott sau đó đi Ý, rồi trở về Adya ngày 15 tháng 11, 1888.

V

Đại hội thường niên của Hội vào cuối tháng 12 chấp thuận một điều quan trọng, là chủ trương cho các xứ bộ có sinh hoạt tự trị với hội chánh tại Adyar. Xứ bộ đầu tiên hoạt động theo đường lối này là Hoa Kỳ (1886) mà sau khi thấy thành công, tới phiên Anh được cho áp dụng. Chủ trương mang lại nhiều điều lợi là các xứ bộ có tự trị về tổ chức và truyền bá, khiến hội viên địa phương nỗ lực hơn; còn trụ sở hội chánh được giảm bớt các chi tiết hành chánh nhàm chán, mà trước kia làm mất nhiều thì giờ của ông. Hội vì vậy từ trung ương chuyển sang thành trung tâm Liên bang, mỗi xứ bộ các nước tự trị về phần nội bộ, nhưng trung thành hỗ trợ phong trào TTH và lý tưởng của nó.
Ông cũng được mời sang thăm Nhật để chấn hưng Phật giáo nơi đây và nhận lời. Người Nhật nghe về những gì ông đã làm cho Phật giáo tại Tích Lan nên phấn khởi, và mong ước ông cũng giúp tương tự vậy cho đất Phù Tang, họ xin các hội viên Ấn cho ông được rảnh một thời gian để sang Nhật.

VI

Ông Olcott rời Ấn đi Nhật ngày 10 tháng giêng năm 1889.  Khi tới thăm các chi bộ ở Ấn ông đi xe bò lọc cọc thì nay sang Nhật, ông đi tầu thủy hạng nhì như thói quen vẫn vậy. Tầu ghé Singapore, vài người Tích Lan cư ngụ ở đây tới thăm ông và cùng với họ, hôm sau ông cho thành lập một chi bộ. Tầu đi tiếp rồi ghé … Sài Gòn, ông biết đây là thuộc địa của Pháp nhưng lầm tưởng thành phố là của Cam Bốt.
Ông Olcott lên bờ thăm viếng, vào chơi sở thú và khen rằng có đủ các loại chim. Một sự việc làm ông nhớ kỹ chuyến đi này là có con hồng hạc flamingo rượt đuổi, suýt chút nữa ông bị mổ trúng. Tầu đến Kobe ngày 9 tháng hai, một phái đoàn lên tầu chào mừng ông, còn đứng đón ở cầu tầu là một hàng dài gồm nhiều tăng sĩ, đại diện các chi phái với nghi lễ thật trịnh trọng.
Điểm đầu tiên làm ông chú ý là tăng bào khác nhau giữa hai phái Nam tông và Bắc tông. Thay vì tăng sĩ áo vàng, hở tay chân, đầu trần, chân đất như ở Tích Lan, tại Nhật là tăng sĩ áo nâu, tay áo rộng, đầu đội mũ ni, mang guốc và chân đi vớ, ít nhất vì lúc này là cuối mùa đông. Hiển nhiên là tăng phục của Ấn, Miến Điện và Tích Lan không phù hợp cho miền bắc nơi Phật giáo nẩy nở.
Ông được đưa về ngôi đền cổ xưa nhất của Thiên Thai tông (Ten Dai), có diễn văn đón chào, buổi tối cuộc trò chuyện của ông biến thành bài thuyết giảng. Từ đây ông đi tới nhiều nơi trên đất Nhật như Kyoto, Osaka, Yokohama, Hiroshima v.v. đến các tông phái khác nhau như Tịnh Độ (Jodo), Chân Ngôn (Shin Gon) tông. Tại mỗi nơi, chùa và luôn cả khách sạn, nhà ga xe lửa cũng treo hai cờ là quốc kỳ và cờ Phật giáo mà ông vẽ kiểu để tiếp rước. Người Nhật cũng tặng nhiều sách cho thư viện Adyar nhân dịp này.

VII

Ông Olcott mời đại diện các chi phái Phật giáo tại Nhật, đến dự hội nghi liên tông ở Osaka ngày 19 tháng hai.Trong buổi họp, ông thúc giục việc thành lập một đại hội đồng Phật sự, thêm rằng ông sẽ ngưng chuyến du hành trên đất Nhật, nếu không được một đại hội đồng như thế bảo trợ, mà sẽ lập tức lên thuyền về nước. Chủ ý của ông là không muốn chuyến đi của mình chỉ do một chi phái bảo trợ, và tạo hình ảnh cùng gợi ý là ông ủng hộ chi phái ấy, trong số chín chi phái hiện có của Nhật, cho dù rất có thể là các đại diện có mặt xem ông độc tài, chẳng khác nào hạm trưởng Perry khi xưa đã uy hiếp bắt Nhật phải mở cửa buôn bán, ngưng chính sách bế quan tỏa cảng. Ông chẳng màng nếu họ nghĩ vậy.
Ý kiến được chấp thuận, một chương trình được đặt ra cho ông đi tới những trung tâm Phật giáo quan trọng của Nhật, là khách danh dự của mỗi chi phái, và có buổi giảng tại chùa hay đền thờ được chọn của chi phái ấy. Hình chụp cùng với những quà tặng khác trong chuyến đi này, như tranh lụa tôn giáo vẽ từ 1200 năm trước, hiện vẫn còn lưu trữ tại trụ sở hội tại Adyar cho khách đến xem
Chuyện thú vị đáng ghi là trong những buổi tiếp tân giữa người Nhật và người tây phương mà ông được mời dự, điều gây ấn tượng mạnh mẽ cho ông là cách cư xử của người Nhật với người da trắng có tính đồng đẳng, tương kính, hoàn toàn không có sự khúm núm, e dè của một bên và sự trịch thượng, chủ nhân ông của bên kia. Trọn chuyến viếng thăm Nhật ông đều thấy tính cách này.

VIII

Theo cách sắp xếp của đại hội đồng, dân chúng tại Nhật bất kể sang hèn, giầu nghèo đều có dịp nghe buổi nói chuyện của ông Olcott, tại một trong các nơi thờ phượng của mỗi chi phái, và báo chí mô tả kỹ hình dạng của ‘Phật tử người Mỹ’. Ông được nói chuyện cùng thủ tướng Nhật, và khi khác là Nhật hoàng đến dự một bài giảng của ông tại đại học một cách kín đáo; cũng trong hôm ấy có nhiều hoàng thân và học giả hiện diện.
Sách tiếp tục được gửi đến khi người ta biết là thay mặt cho thư viện Adyar, ông rất biết ơn những quà tặng như vậy. Khi rời Nhật thì số sách tặng lên đến 1.500 quyển, trong đó có trọn bộ kinh Tripitakas 300 quyển khi trước thuộc một đại sư phái Tịnh Độ. Theo ông, bộ sách rất có giá trị lúc ấy vì nó cho phép ai biết tiếng Nam Phạn và Nhật ngữ so sánh giữa kinh điển của Nam tông và Bắc tông. Tại Adyar đang có các tu sinh người Nhật làm việc đó.
Dù là được tiếp đón trọng thể, nhưng phương tiện di chuyển các nơi thay đổi từ xe lửa, xe kéo, thuyền, rồi đứng giảng ở nơi lạnh cuối đông, ăn uống thất thường, ngủ ở bất cứ đâu và bất cứ cách nào, cũng như bị choáng ngợp vì phải tiếp xúc với hào quang hàng ngàn người mỗi buổi nói chuyện, luôn cả bị … Tào Tháo rượt làm công việc khó khăn cho ông. Rốt cuộc tới ngày kia ông không thể gắng gượng được nữa, và khi tới nơi thì sự đau nhức, mệt mỏi, và bụng dạ không an làm ông nằm bẹp. Dầu vậy ông tiếp tục lịch trình đã định, đi thêm nhiều nơi khác, với nay đã có hơn 46 buổi nói chuyện.
Số người dự các buổi họp thường là hàng ngàn, có khi lên đến 4.000 người. Vài nơi ban tổ chức phải bán vé để làm giảm bớt số người đến nghe, dầu vậy vẫn có mấy ngàn người tới.

IX

Có chi bộ được thành lập tại Nhật trong dịp này mà về sau không có hoạt động gì mấy. Giải thích đưa ra khi đó là sự chia rẽ giữa các chi phái quá đỗi mạnh mẽ. nên nếu người trong ban trị sự và hội viên chi bộ thuộc các chi phái đối nghịch thì không làm nên việc gì. Họ cho rằng chỉ người da trắng, là người ngoại quốc đứng ngoài mọi chi phái và giai cấp, mới có thể làm hội thành công, và cơ hội càng nhiều hơn khi người ấy lại là Phật tử.
Điều này khiến ông Olcott thấy rằng nếu từ chức hội trưởng hội Theosophia quốc tế, ông rất có thể mau chóng lập nên một liên hội Phật giáo quốc tế, làm Phật pháp lan truyền khắp mọi nơi. Ấy là động cơ chính làm ông ngỏ ý muốn từ chức hội trưởng năm 1890, giao lại hết mọi việc cho bà Blavatsky. Dù bị HPB phản đối, ông có thể vẫn thực hành ý này nếu không có can thiệp của một Vị tới gặp ông, cho hay là kế hoạch cho Phật giáo phải gác lại, và không được rời bỏ chức vụ đã giao cho ông.
Có ý kiến cho rằng tiền thân của ông Olcott là vua A Dục Asoka (273 - 232 BC), người có công lớn trong việc truyền bá Phật giáo trên đất Ấn và Tích Lan. Rất có thể vì vậy mà nay ông Olcott tỏ ra nhiệt thành với việc phục hồi Phật giáo tại nhiều nước.
Trở lại Nhật, tới vùng nhiều đảo thì khi một đảo có buổi giảng, dân cư từ nhiều đảo khác cách xa gần tám chục cây số cũng tụ về nghe, ngủ đêm luôn tại hội trường với con số hơn ba ngàn người. Ta có con số chính xác vì buổi giảng phát vé là một cách để biết số người đến dự. Tính ra chuyến đi có tổng cộng 76 buổi giảng và 187.500 người nghe.
Ông rời Kobe ngày 28 tháng năm, dọc đường ghé Tích Lan ba tuần và tới Adyar ngày 11 tháng bẩy, vui mừng được trở về nhà.

X

Ở trên đất Ấn chưa được bao lâu và sau khi lo việc điều hành thường ngày cho hội, bốn tuần sau ông Olcott lại xuống tầu đi Marseilles ngày 8 tháng tám, đến nơi vào đầu tháng chín, và sang London gặp HPB ngày 4 - 9, 1888 và gặp bà Annie Besant lần đầu tiên.
Một chuyện vui xẩy ra khi ông giảng ở London ngày 17 - 9. Khi ông nói xong và tới phần cử tọa nêu thắc mắc, có người nói to.
– Tôi muốn biết tại sao ông Olcott rất quen thuộc với hết các tôn giáo đông phương, trong khi tôi dành hai mươi năm học hỏi mà vẫn không biết được một tôn giáo nào rành rẽ ?
Ông chưa kịp trả lời thì phía bên kia phòng người khác đáp lại.
– ‘Brains’. Nhờ trí não.
Trọn phòng họp kể luôn ông phá ra cười vui vẻ.
Những ngày này cũng được ông dùng để làm việc chung với HPB. Bà Blavatsky cho đặt một bàn khác cạnh bàn viết của bà, và hai vị trở lại thói quen cũ như khi cả hai cùng soạn bộ Isis Unveiled ở New York.Ông viết thư và bài cho tạp chí của bà, giúp soạn tài liệu học cho trường Bí Giáo. Ông rất thích khi chỉ có hai người làm việc với nhau, dường như cánh cửa giữa hai vị và các Chân sư luôn mở rộng, tư tưởng cao đẹp tuôn vào trí ông và sự giao tiếp tinh thần thấy rất thực.
Dầu vậy còn việc hội phải làm như đi giảng, tới thăm hỏi các nhân vật quan trọng mà ông muốn họ lưu tâm đến hội, nên quả là sự hy sinh đúng thực khi ông Olcott bắt buộc phải rời bàn, không được ở cạnh HPB mà đi ra ngoài lo công chuyện hội.

 (còn tiếp)